Đề xuất không cấp biển số ô tô có số cuối là 49 và 53

Ngày 11/11 vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thông qua thảo luận về Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển ô tô thông qua đấu giá. Đồng thời tại Hội Nghị cũng đưa ra đề xuất không nên cấp biển số có đuôi là 49 và 53.

Tại Hội nghị thông qua Nghị quyết thí điểm cấp quyền sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, có thêm đề xuất không cấp biển số có đuôi 49, 53.

Theo đó, có 121 đại biểu nhất trí ban hành Nghị quyết, đồng thời đề xuất nên cấp biển số đẹp, tạo danh mục biển số độc và lạ để đưa ra đấu giá nhằm tăng nguồn thu ngân sách. Trong đó cũng có ý kiến cho rằng không nên cấp biển có số cuối là 49 và 53 vì theo quan niệm dân gian, hai con số này không có ý nghĩa tốt đẹp, đặc biệt bị kiêng kỵ trong những chuyện lớn của đời người.

Theo quan niệm dân gian thì 49 và 53 là 2 con số có ý nghĩa không tốt.

Trong cuộc thảo luận, có 52 đại biểu đồng ý áp dụng thống nhất mức khởi điểm đấu giá biển số ô tô là 40 triệu đồng trên cả nước. Tuy nhiên cũng có đại biểu cho rằng mức khởi điểm chỉ nên để từ 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn có một số ý kiến khác đồng ý cho mức giá 50, 80 và cao nhất là 200 triệu đồng cho biển số đẹp.

Có đại biểu đề nghị quy định giá khởi điểm biển ô tô số đẹp theo 2 nhóm: biển số đẹp được thừa nhận rộng rãi và biển số lựa chọn theo mong muốn. Tùy nhóm biển số sẽ có mức giá khởi điểm khác nhau. Bước giá cho mỗi lần đấu giá được đề xuất là 5 triệu đồng ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và 2 triệu đối với các tỉnh, thành khác.

Trong cuộc thảo luận cũng có nhắc đến Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Có 21 đại biểu yêu cầu bổ sung quy định biển số trúng đấu giá là tài sản cá nhân, người sở hữu có quyền tài sản theo Bộ luật Dân sự. Còn 15 ý kiến khác thì đề nghị quy định theo hướng người được chuyển nhượng, nhận cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe, cũng sẽ có đầy đủ các quyền như người trúng đấu giá biển số xe.

Ngoài ra, có đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác của mình bao nhiêu lần; và thời hạn phải đăng ký đối với trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe giữ lại biển số trúng đấu giá là bao lâu. Chính phủ cũng phải nắm rõ giá chuyển nhượng xe kèm biển trúng đấu giá là bao nhiêu để xác định mức thuế.

Có ý kiến cho rằng sau khi đấu giá thành công biển ô tô số đẹp, tiền thu được nên được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị nên phân bổ cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ gợi ý là 70:30; 60:40 hoặc 50:50.

Đấu giá biển ô tô số đẹp nhằm tăng nguồn thu ngân sách.

Cục Cảnh sát giao thông đề xuất về việc đấu giá biển số xe đẹp từ năm 1993, nhưng vì gặp bế tắc do Luật Đấu giá tài sản nên các cấp không có căn cứ pháp lý để triển khai.

Trước đây có thời điểm Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, tuy nhiên lại bị Bộ Tài chính, Bộ Công an phạt.

Tới tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Dự kiến đến chiều 15/11 trong kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Xem thêm: Những loại bảo hiểm ô tô chủ xe cần quan tâm

Source: Đề xuất không cấp biển số ô tô có số cuối là 49 và 53