Bỏ túi những kỹ thuật cơ bản khi đi phượt dành cho biker

Đi phượt hay đi tour đường dài lâu nay vẫn là thú vui của nhiều fan đam mê ‘xê dịch’ chứ không riêng gì giới biker. Nhưng để có một chuyến đi phượt an toàn thì người ‘cầm cương’ cần nắm vững kỹ thuật lái xe đường dài. Điều này giúp người lái chủ động và linh hoạt ứng biến trong nhiều tình huống đặc biệt. Cùng Autofun tìm hiểu kỹ hơn về những kỹ thuật này.

Để chuyến đi đường dài trở nên thú vị và vui vẻ trọn vẹn bạn kỹ năng lái xe cơ bản là điều cần nắm vững.

Kỹ thuật lái xe khi đi đường dài một mình

Không phải cứ sắm cho mình một chiếc mô tô và một bộ đồ phượt thủ là bạn đã thuận lợi trở thành một biker chính hiệu. Một biker chính hiểu là một người vững tay lái, làm chủ được ‘chiến mã’ của mình trên mọi cung đường, đảm bảo an toàn cho chính mình và cho mọi người.

Cùng tìm hiểu qua một số kỹ thuật cơ bản khi lái xe đường dài không phải ai cũng hiểu và áp dụng được. Đây cũng là những kỹ thuật ‘đắt giá’ cho những tấm chiếu mới bắt đầu hành trình ‘xê dịch’ khám phá thế giới.

Giảm tốc độ khi đi qua những cung đường xấu

Trong những chuyến đi dài chắc chắn chúng ta sẽ gặp những đoạn đường xấu, gồ ghề, ổ gà, ổ voi, đường sinh lầy…hãy giảm tốc độ khi đi qua những đoạn đường này để dễ dàng điều khiển xe.

Ngoài ra, hãy chạy ở số thấp vì lực kéo của máy ở cấp số này sẽ mạnh hơn, giúp bạn dễ dàng vượt qua những chướng ngại và vẫn làm chủ được ‘xế yêu’.

Không bóp côn khi ôm cua

Đoạn đường dễ xảy ra tai nạn nhất là ở những khúc cua. Cho dù bạn có là một dân ‘cạ gối’ chuyên nghiệp đi nữa thì chuyện té ngã khi ôm cua vẫn xảy ra bình thường.

Ôm cua đúng cách sẽ giúp bạn an toàn hơn khi xổ đèo.

Nhiều người có thói quen bóp khi vào cua, đặc biệt là newbie mới làm quen với mô tô. Việc bóp côn khi ôm cua rất nguy hiểm vì bạn sẽ phải thực hiện nhiều thao tác hơn nếu có tình huống xấu bất ngờ xảy ra.

Ngoài ra, khi trả côn để sang số rất dễ xảy ra hiện tượng trượt bánh vì bị mất độ bám đường kết hợp với lực ly tâm làm xe bị trượt và dễ xảy ra tai nạn.

Do đó, hãy luôn kiểm soát tốc độ, về số thấp và không bóp côn khi vào cua.

Kỹ thuật chạy xe khi leo đường đèo dốc

Cung đường biker muốn chinh phục nhất có lẽ là những khúc ôm cua đã tay và phong cách tuyệt đẹp ở những ngọn đèo. Để hành trình ‘leo đèo’ an toàn hơn, tốt nhất bạn không nên đồng hành với một chiếc tay ga scooter bánh nhỏ.

Đảm bảo tốc độ và cấp số khi leo đèo.

Tuy nhiên, chuyện ‘leo đèo’ khi đi phượt chưa bao là điều dễ dàng với nhiều người. Để chinh phục các cung đường đèo một cách an toàn bạn cần:

  • Luôn chạy xe ở số thấp, tùy theo độ dốc mà dừng ở số 2 hoặc 3 để đảm bảo đủ lực kéo cho xe.
  • Không nên chạy quá tốc độ 40 km/h, hãy luôn nhớ rằng mình đang đi du lịch tận hưởng, khám phá thiên nhiên.
  • Sau mỗi một chặng lên dốc liên tục hãy cho xe dừng lại nghỉ ngơi để giảm tình trạng bị bó máy do quá nóng, động cơ bị tuột hơi. Lưu ý, không dùng nước phun vào động cơ với mục đích làm mát. Điều này sẽ làm giảm tuổi thọ và sức bền của động cơ.

Kỹ thuật vượt đường đèo

Vượt xe khác khi di chuyển trên đường đèo cũng là một tình huống hay bắt gặp và bạn cần phải chuẩn bị kỹ năng về nó.

Nếu bạn muốn vượt lên phải của xe ô tô hãy vượt khi ở đoạn đường thẳng, không nên vượt trong những khúc cua vì bạn rất dễ bị ép ra khỏi làn đường. Trước khi vượt hãy nhá đèn xi-nhan , bấm còi để ra tín hiệu, nếu xe ô tô chạy chậm lại hoặc di chuyển ra giữa đường thì bạn nhanh chóng vượt lên.

Nếu muốn vượt trái của xe ô tô, bạn phải lấn làn đường bên cạnh và chỉ nên vượt ở những đoạn đường thẳng dài. Vì khúc cua là nơi bị khuất tầm nhìn rất khó quan sát xung quanh. Lưu ý, bật đèn xi-nhan và bấm còi xin vượt nhé, nếu ô tô đồng ý thì mới nhanh chóng vượt lên.

Đặc biệt, nếu xe ô tô, xe tải vẫn di chuyển nhanh và không có dấu hiệu nhường đường thì bạn hãy giảm tốc độ, đừng cố vượt. Nếu gặp phải xe container, bạn đừng nên vượt qua, đặc biệt là ở những đoạn đường đèo hẹp vì tài xế sẽ vướng phải rất nhiều điểm mù nên rất khó để biết được chuyện gì sẽ xảy ra. An toàn vẫn là trên hết nha, đi chậm đi nhanh gì thì cuối cùng mình vẫn đến đích thôi.

Áp dụng kỹ thuật vượt này cho cả đường trường, nhưng hầu hết với đoạn đường này bạn chỉ vượt phải chứ rất hiếm khi được vượt trái.

Khi đi phượt theo đoàn

Khi đi phượt theo đoàn, ngoài việc cần nắm vững những kỹ thuật cơ bản trên thì bạn cũng cần tuân thủ người dẫn đoàn và hiểu rõ các hiệu lệnh.

Không vượt qua người dẫn đoàn

Người dẫn đoàn có vai trò rất quan trọng trong một chuyến đi. Họ luôn là người đi trước để quan sát tình hình và ra hiệu để đoàn đi phía sau có cách xử lý tình huống tốt nhất.

Luôn bám sát người dẫn đoàn để hành trình chuyến đi trọn vẹn.

Đi sau người dẫn đoàn vừa giữ được đội hình đẹp hơn, ngầu hơn đồng thời giúp bạn đến được nơi cần đến một cách an toàn.

Ngoài ra, trong những tình huống cần vượt hãy luôn vượt cùng bên với người dẫn đoàn, không tách ra hai bên cùng lúc. Một khi những tài xế xe tải họ đã nhường thì chắc chắn họ sẽ những cho cả đoàn, vậy nên bạn đừng vội nhé.

Tuân thủ hiệu lệnh Libero

Libero là người điều phối, sắp xếp các thành viên trong đoàn nhằm tránh tình trạng tách đoàn, đi lạc. Đây cũng là người cứng tay lái nhất và hiểu biết nhiều ký hiệu, các kỹ thuật khi đi phượt nhất. Vậy nên, bạn cần tuân thủ mọi hiệu lệnh của Libero  để cả đoàn di chuyển đến nơi một cách thuận lợi.

Vì là người di chuyển linh hoạt nên Libero nằm bắt những tình huống rất nhanh. Do đó, nếu họ ra hiệu đi nhanh bạn hãy đi nhanh, đi chậm thì bạn hãy giảm tốc. Tuân thủ mọi hiệu lệnh của Libero là bạn đang đảm bảo an toàn cho chính mình và cho mọi người.

Chúc bạn có một chuyến đi phượt an toàn, thuận lợi và nhiều điều thú vị bằng những kỹ thuật cơ bản này.

Xem thêm: Cách lái xe tiết kiệm xăng hiệu quả ít ai biết

Source: Bỏ túi những kỹ thuật cơ bản khi đi phượt dành cho biker